Giáo dục sớm và tiểu học hóa là hai phạm trù khác nhau


Giáo dục sớm và tiểu học hóa là 2 khái niệm hay bị nhầm lẫn với nhau và hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về sự khác biệt giữa chúng. 

 


Dạy trẻ biết đọc, viết sớm lâu nay trở thành áp lực đối với nhiều gia đình có trẻ chuẩn bị bước vào tiểu học. Theo các chuyên gia giáo dục, quy định trẻ 6 tuổi đi học là có cơ sở khoa học sư phạm cũng như khoa học tâm lý, bởi ở độ tuổi đó trẻ mới đủ điều kiện về thể chất, tâm lý để có thể thực hiện các nghĩa vụ học hành ở cấp tiểu học. Ép học sớm hơn sẽ tước quyền được vui chơi của đứa trẻ.


Chia sẻ tại tọa đàm Những con chữ biết hát: Khuông nhạc cho đào tạo nhân tài do Thaihabooks tổ chức mới đây, PGs, Ts Đỗ Xuân Thảo, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, vấn đề giáo dục sớm đang bị hiểu theo nghĩa khác. Việc dạy dỗ một đứa trẻ có thể bắt đầu ngay từ khi chúng vừa chào đời. Tuy nhiên, việc dạy phải phù hợp với tâm lý của trẻ, bởi khi trẻ thích cái gì thì say sưa với cái đó. Ở đây, cần hiểu dạy trẻ theo chương trình tiểu học sớm thì học là một nhiệm vụ, giờ nào việc đó và khi học phải tập trung liên tục trong ít nhất 30 phút.


Giáo dục thông minh sớm là chú trọng giáo dục theo hai góc độ: cảm xúc và trí tuệ. Khi trẻ nhỏ, có thể truyền cảm xúc thông qua các hoạt động cụ thể như hát ru tại mọi thời điểm: khi ngủ, khi ăn uống, vui chơi, thậm chí đi dã ngoại cùng gia đình, để những lời ru đó ngấm dần vào tâm hồn trẻ. Bằng cách đó, cha mẹ có thể giúp trẻ hình thành những hiểu biết về ngôn ngữ, về tiếng Việt giàu đẹp. Dần dần, khi trẻ lớn hơn, cha mẹ mới định hướng cho trẻ không chỉ nói đúng, viết đúng mà còn phải nói hay, viết hay. Trong giao tiếp cũng nên hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng mềm, nói không chỉ nói tròn vành rõ chữ, đúng ngữ pháp mà còn phải nói truyền cảm. Dạy một đứa trẻ dưới 3 tuổi chúng ta cần phương pháp hoàn toàn khác với dạy 1 đứa trẻ trên 3 tuổi. (Ví dụ như phương pháp Flash card).
 


Đồng quan điểm trên, Ths Phan Thị Hồ Điệp, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (mẹ của tác giả nhỏ tuổi Đỗ Nhật Nam) hoàn toàn ủng hộ việc dạy trẻ thông minh sớm. Tuy nhiên, theo bà Điệp, điều quan trọng là không nên nhầm lẫn giữa việc dạy trẻ thông minh sớm và tiểu học sớm. Bà Điệp cho rằng, hiện nay, nhiều phụ huynh có quan niệm sai lầm khi cho rằng dạy con thông minh sớm chính là dạy con biết đọc, biết viết sớm. Đây chỉ là một phần của cả một quá trình dài mà thôi. Từ kinh nghiệm của bản thân, bà Điệp chia sẻ, trong dạy con thông minh sớm, quan trọng nhất là phải chú trọng tới việc dạy kỹ năng và cảm xúc cho trẻ. Phụ huynh không nên dạy con một cách cứng nhắc, áp đặt mà nên dạy trẻ thông qua các câu chuyện xã hội đơn giản, ý nghĩa. Đặc biệt, không nên quá quan tâm đến việc dạy trẻ biết đọc, biết viết sớm trước khi vào lớp 1, bởi đây chính là những hào hứng, niềm yêu thích của một đứa trẻ khi chúng bắt đầu quá trình học tập của mình.


Nhận xét về quan niệm gây tranh cãi này, Giám đốc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Ts Đặng Thị Bích Thủy khẳng định, không phải cứ đi học sớm là hay, việc nhiều người cho trẻ học đọc, học viết trước khi vào lớp 1 đôi khi dẫn đến phản ứng tiêu cực. Thực tế, nhiều đứa trẻ trước khi vào lớp 1 không được học trước mặt chữ và con số, nhưng chỉ sau 2 tháng, đã có thể đọc bằng, thậm chí nhanh hơn các bạn cùng lớp. “Một học sinh không phải cứ giỏi toán, giỏi văn đã là giỏi. Con người thành đạt phải đa trí tuệ, có thể có trí thông minh về âm nhạc, trí thông minh vận động hoặc thông minh trong giao tiếp. Bồi dưỡng trí tuệ và cảm xúc là những việc làm đầu tiên cho trẻ để chúng phát triển bình thường, đồng thời phát triển được thế mạnh của chúng” – Ts Đặng Thị Bích Thủy nói.

 


Ở khía cạnh khác, Phó hiệu trưởng Trường THCS Newton (Hà Nội) Lê Thị Bích Dung cho rằng: với những trẻ có năng khiếu bẩm sinh, sớm phát triển thì nên để các em phát triển một cách tự nhiên, không kìm hãm. Thực tế, Trường THCS Newton đã áp dụng cách thức giáo dục này và nhận thấy những kết quả khả quan. Minh chứng rõ nhất chính là trường hợp của bé Đỗ Nhật Nam. Hoàn toàn có thể để các em học sinh học vượt lớp, thậm chí vào đại học sớm nếu các em đủ khả năng.


Như vậy, mục đích của giáo dục sớm không phải để tương lai trẻ có thể học vượt cấp. Theo PGs, Ts Đỗ Xuân Thảo, qua giáo dục sớm khoa học, một số trẻ sẽ có khả năng tự học cao, phát triển vượt trội; có trẻ sẽ phát triển toàn diện mọi tố chất, tích lũy một lượng kiến thức lớn ở nhiều lĩnh vực; có trẻ chỉ bình thường ở mọi phương diện, nhưng lại rất giỏi ở một mặt nào đó, đây là trẻ phát triển theo sở trường. Mọi trẻ được giáo dục sớm đều được khai thác, phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, trở thành hạt giống nhân tài tố chất cao. Vì vậy, chúng ta nên căn cứ theo đặc điểm của trẻ để có phương pháp giáo dục thích hợp. Nếu giáo dục trẻ theo một giáo trình nào đó, của một giờ học nào đó, có bài tập, có thi cử khi chúng chưa đến tuổi đi học, thì bất kể là dạy nội dung gì, cũng đều đang thực hiện tiểu học hóa giáo dục.


Nguồn: tham khảo internet

 


Chia sẻ tin này

 
Quay lại đầu


Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

 
VIDEOS