Những ngộ nhận về giáo dục sớm:
Không ít người đã ngộ nhận rằng là phương pháp nuôi dạy trẻ sớm là đánh cắp tuổi thơ của trẻ. Hay là thúc ép con học để con có trí tuệ thông minh, có thành tích tốt ở trường, nên từ nhỏ phải cho con làm quen với những phương pháp để phát triển IQ ở các lớp học về trí tuệ, flash card, làm toán, học chữ…
Phê phán phương pháo giáo dục sớm như vậy, một số cha mẹ đã nghĩ rằng mình sẽ nuôi dạy con theo “chủ nghĩa tự nhiên”, tức là con còn nhỏ thì cứ để con tự nhiên lớn lên, tự làm gì theo ý thích, không uốn nắn. Nhưng đến lúc con đã vào mẫu giáo hay vào tiểu học mới bắt đầu nghiêm khắc ép con học, khi con không nghe lời thì quát mắng. Hiểu sai về giáo dục sớm đã khiến cha mẹ bỏ qua thời kỳ quan trọng để bồi dưỡng hứng thú học tập, khám phá của con.
Mục đích của giáo dục sớm:
Điều cốt yếu nhất là các cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của giáo dục sớm trên cơ sở khoa học thực chứng, từ đó giúp con phát huy tối đa những khả năng và tố chất của con, giúp con mình có nền tảng vững chắc về tâm hồn, nhân cách, sức khỏe, và trí tuệ, sau này trở thành những người có ích cho xã hội.Giáo dục sớm cũng không phải là ép trẻ làm những bài nâng cao chỉ số IQ, ép trẻ học để trẻ biết đọc biết viết sớm hơn các bạn khác. Giáo dục sớm chú trọng đầu tiên đến là việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, nuôi dưỡng lòng tự tin, động lực cố gắng bằng chính tình yêu thương của cha mẹ.
Giáo dục sớm chỉ là giáo dục trẻ “đúng thời điểm”
Những năm đầu tiên, khi phương pháp giáo dục sớm cho trẻ từ 0 tuổi mới được các nhà giáo dục đưa ra, rất nhiều cha mẹ cũng như chính phủ Nhật, Mỹ phản đối với những lí do tương tự như ở trên. Tuy nhiên, những tiến bộ trong nghiên cứu về sinh lý não và y học trong những năm 1950-1960, bao gồm những thành tựu đạt giải Nobel về nghiên cứu khám phá về bộ não con người đã lần lượt chứng minh những khả năng tuyệt vời của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Giáo dục sớm giúp trẻ phát huy tiềm năng từ giai đoạn đầu đời:
Trong cuốn sách “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” nhà giáo dục nổi tiếng Nhật Bản Ibuka Masaru đã chỉ ra rằng một “bộ não thông minh sẽ tùy thuộc vào khả năng liên kết và giao tiếp giữa các tế bào não với nhau”, “sự phát triển não bộ của người đến 3 tuổi đã hoàn thiện 78-80%” và “hầu như đã hoàn thiện đến khi trẻ được 6 tuổi” Điều này có nghĩa là sự liên kết giữa các tế bào não của trẻ hầu như đã hoàn thiện sau 6 tuổi, nên chúng ta cần phải dạy trẻ cái gì và dạy như thế nào chính là vấn đề quan trọng nhất ở phương pháp giáo dục trẻ sớm.
Trẻ ở giai đoạn này có khả năng hấp thu bất kì kiến thức gì, cũng như luôn háo hức để được làm quen với những điều mới lạ, không có nguy cơ bị quá tải như người lớn vẫn thường lo ngại. Đây cũng chính là “thời kì thích hợp nhất” để giúp trẻ phát huy hết những khả năng vô hạn ở giai đoạn đầu đời, bằng cách gửi cho trẻ thật nhiều kích thích từ bên ngoài như âu yếm, trò chuyện, vận động, nghe nhạc hay đọc truyện... Khi hiểu được bản chất thực sự của giáo dục sớm từ góc độ khoa học, cha mẹ sẽ tự tìm ra rất nhiều cách để dạy con mình.
Giáo dục sớm là “giáo dục trẻ về tâm hồn và nhân cách”
Nhà giáo dục Shichida Makoto đã nói rằng “giáo dục trẻ sớm chính là giáo dục về tâm hồn” bởi vì tâm hồn mới là người dẫn đường chỉ lối cho trí tuệ, mới là yếu tố tạo nên phẩm chất của một con người. Khi trẻ mới sinh ra sự âu yếm, trò chuyện là phương pháp tốt nhất giúp trẻ hình thành sợi dây tình cảm với cha mẹ, đồng thời nuôi dưỡng khả năng tự khẳng định bản thân. Bên cạnh đó, cha mẹ nên dành thời gian đọc truyện, thơ, cho xem tranh, dẫn trẻ đi dạo, cùng chơi xếp hình... với con. Đây chính là một trong những cách tuyệt vời nhất để con có được môi trường kích thích khả năng trí tuệ, sự sáng tạo, và tìm ra hứng thú cho bản thân trong khi vẫn cảm nhận đầy đủ tình yêu của cha mẹ.
Thường xuyên khen ngợi những việc con làm, kiên nhẫn lắng nghe con nói, quan tâm đến cảm xúc của con sẽ giúp con tự tin, biết nghĩ đến người khác, có động lực để cố gắng. Dù thế nào thì con cái không phải là vật sở hữu của cha mẹ, nên cha mẹ phải là người phát hiện ra những năng khiếu của trẻ để từ đó giúp trẻ duy trì đam mê, phát triển khả năng đó dựa trên chính mong muốn của trẻ, chứ không phải là mong muốn của bản thân.
Nguồn: tham khảo internet
Chia sẻ tin này
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn