Giáo dục sớm không dành cho những bố mẹ lười thay đổi


Mục tiêu của giáo dục sớm là phát triển khả năng ghi nhớ, quan sát, phân biệt, so sánh chứ không phải 3 tuổi làm được phép toán 6 tuổi.

 


Dạo gần đây, khi mình hay đăng những học liệu cho công cuộc giáo dục sớm (GDS) thì có nhiều phản ứng khác nhau, một số thì bảo sao phải cầu kỳ như thế, sớm muộn con cũng biết… đọc hay định dạy con thành thiên tài à?. Cũng định im lặng như bao lần khác. Nhưng hôm nay chợt nghĩ, biết đâu nói ra, sẽ có thêm một vài em bé có cơ hội được giáo dục sớm như con mình, nên mình sẽ chia sẻ những suy nghĩ của mình vậy.


1. Giáo dục sớm là gì và tại sao lại phải dạy con từ sớm?


Những người phản đối giáo dục sớm là những người chưa bao giờ thực hiện phương pháp dạy này. Cũng như người đứng ngoài sân bảo trong nhà làm gì mà sáng thế? Tắt bớt đèn đi dù chẳng biết người ta đang sử dụng vào mục đích gì. Để lao vào công cuộc GDS cho con, các bố, mẹ cần không chỉ tình yêu con mà còn cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị học liệu, để chơi cùng con, để mỗi ngày của con trôi qua đều không lãng phí. Tại sao phải vất vả như thế, khi mà, trong quan điểm của nhiều người, đằng nào lũ trẻ chả lớn lên?

 

Khi lũ trẻ lớn lên, cơ hội kích thích não phải và trái sẽ qua đi


Mỗi ngày qua đi, khi đồng hồ điểm tiếng chuông cuối cùng, một ngày mới lại bắt đầu, những tế bào não của con chúng ta nếu được kích thích sẽ mạnh thêm lên, những tế bào não không được kích thích hay sử dụng sẽ nhỏ dần lại và sẽ teo dần khi chúng qua 3 tuổi (với não phải). Đó là lý do giáo dục sớm phải bắt đầu càng sớm càng tốt. Các tế bào não cũng như cơ thể chúng ta, có tập thể dục thường xuyên mới khoẻ mạnh, có ăn uống ngủ nghỉ điều độ mới dẻo dai, bền bỉ. Và những người mẹ GDS cho con đều vì mục đích này, chứ không phải với mục đích dạy con thành thần đồng hay thiên tài. Nên nhớ, GDS tức là chúng ta trao cho con một cơ hội để làm vững chắc hơn các tế bào não của con, để con được kích thích, còn con có khả năng phát triển đến đâu, có thành thần đồng hay chỉ là em bé bình thường, điều đó là phụ thuộc ở con chứ không phải ở mẹ.


Những người làm bố, làm mẹ nếu chỉ dạy con sớm ở việc học sớm hơn vài con chữ, vài phép toán để rồi mang con ra khoe thành tích, e rằng điều này không đúng cho sự phát triển của con. Cung cấp kiến thức, cung cấp kỹ năng cho con, thì đồng thời cũng phải cung cấp cho con những phẩm chất tốt nhất, không kiêu ngạo, không ích kỷ, không chảnh choẹ, không coi thường người khác, biết nhìn đúng giá trị của mình. Nếu chỉ dạy con rồi mang con ra khoe, thì con là sản phẩm chứ không còn là tài sản của bố mẹ nữa. Chúng ta dạy con biết yêu thiên nhiên, biết yêu cái đẹp, biết yêu quý bản thân, biết tự tán dương mình khi làm đúng, làm tốt chứ không phải đợi đám đông vỗ tay mới biết rằng chúng ta phương pháp dạy con này là hiệu quả.


Và nếu con cái chúng ta trưởng thành hơn các bé khác dù chỉ 1 ngày, thì chúng ta cũng phải cố gắng để ngày đó bé sẽ được học thêm những điều mới. Nếu đã thực hiện giáo dục sớm rồi và ngừng lại vì đã hết vốn, chúng ta lại làm chậm đi sự phát triển lẽ ra đáng được hưởng của con.


2. Làm thế nào để giáo dục sớm cho con?


Có nhiều cách để thực hiện phương pháp giáo dục sớm, không cứ Glenn Doman hay Montessori hay Shichidamới là giáo dục sớm. Có 3 điều quan trọng nhất trong phương pháp này đó là:


– Bé học hỏi chủ yếu qua việc chơi đùa
– Đồ chơi tốt nhất của bé là bạn
– Hãy thường xuyên vui đùa cùng bé

 


Chơi với con cũng là cách dạy con. Dạy con học cũng là cách giáo dục sớm. Có nhiều cách để phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tâm lý, xã hội, cảm xúc cho con. Nhưng những cách này không thể thiếu một điều: đó là sự tương tác giữa bố, mẹ (hoặc người chăm sóc) và con cái.


Nếu nói rằng tôi bận quá (đến nỗi không có thời gian chơi với con – trong khi vẫn có thời gian lướt web, chơi game, cầu lông, bóng bàn…) thì xin thưa, dù có gửi vào trường tốt nhất của giáo dục sớm, bạn cũng không thể có một em bé được phát triển “lành mạnh”.


3. Liệu dạy con sớm có đánh mất tuổi thơ của con?


Câu hỏi này được đặt ra khá nhiều lần, nhất là những thế hệ trước nhìn vào quá trình thực hiện giáo dục sớm. Sao mà bắt ép nó kinh thế hả con? Chúng mày không để con cái lớn lên bình thường được hay sao? Câu hỏi này thực ra trả lời rất dễ. Nhưng thay đổi định kiến của những người đi trước thì không dễ chút nào (đôi khi phải là cả 1 quá trình để trẻ lớn lên và người lớn cảm nhận).
Mình nghĩ, điều đầu tiên các bé được GDS được hưởng chính là tình yêu thương. Các bố, các mẹ GDS cho con hiểu rất rõ tầm quan trọng của tình yêu, của sự tương tác bố/mẹ – con cái và luôn cố gắng làm vì điều này. Dạy con thực ra là cách chơi với con. Và nếu có nhiều thời gian dạy con, tức là thời gian dành cho con sẽ nhiều hơn, để con tận hưởng được niềm vui ở bên bố mẹ. GDS có thành công hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ năng của bố mẹ, mức độ tiếp thu của con… nhưng quan trọng hơn, tình yêu dành cho con sẽ là điều theo con mãi.


4. Mình mong chờ gì ở GDS cho con?

 


Mong con thành thiên tài ư? Không, dĩ nhiên là không rồi. Mình mong con mình sẽ biết yêu quý và biết tự đánh giá bản thân, biết vững vàng, không bị xô ngã dù hoàn cảnh khắc nghiệt. Mình mong con mình ham hiểu biết và có cách nhìn đa dạng, có tư duy phản biện tốt. Mình mong con mình biết yêu thương cuộc sống tươi đẹp và biết dành tình yêu, dành sự quan tâm cho những người xung quanh.


5. GDS cho con, mình mất gì?


Mình chẳng mất gì đáng kể: tiền, thời gian, công sức. Nếu cho những thứ mình mất là nhiều thì nếu không dạy dỗ con cẩn thận, khi con lớn lên và hư hỏng, khéo mình sẽ mất cả phần đời còn lại để sống trong ân hận (cái nào sẽ mất nhiều hơn?)


Bù lại, mình được học hỏi rất nhiều, mỗi học liệu dành cho con là một điều thú vị. Mỗi cuốn sách về nuôi dạy con là một chân trời. Mỗi ngày bên con và nhìn con trưởng thành, lớn lên là một niềm hạnh phúc không gì đong đếm được.


Bởi vậy, mình chọn cách dạy con bằng giáo dục sớm là điều đương nhiên


Nguồn: Tham khảo Internet

 


Chia sẻ tin này

 
Quay lại đầu


Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

 
VIDEOS