1 cơn giận thường trải qua 5 giai đoạn dưới đây.
Cơn giận bùng phát: Trẻ bắt đầu bằng việc la hét, ném đồ đạc.
Giai đoạn tiếp theo: Tức giận và thất vọng. Trước đây, các chuyên gia thường cho rằng cảm giác thất vọng thường tới sau khi bùng phát cơn giận. Nhưng gần đây, các chuyên gia nhận thấy rằng sự bùng phát và cảm xúc thất vọng (khóc lóc, mè nheo, thút thít) thường đan xen với nhau. Chúng ta thường có xu hướng chỉ nhận thấy cơn giận của trẻ khi trẻ giận dữ chứ không thấy rằng nguy cơ bùng phát cơn giận khi trẻ khóc lóc, mè nheo.
Nguôi giận. Nếu bạn chưa thấy trẻ nguôi giận, bạn đừng cố gắng vỗ về trẻ. Để trẻ thấy dễ chịu, trẻ cần phải nguôi cơn giận trước. Nếu bạn bế trẻ khi trẻ vẫn còn giận, trẻ sẽ quay lưng lại với bạn, trẻ sẽ không muốn bạn vỗ về. Điều này tương tự như khi bạn vẫn còn giận chồng/vợ của bạn, cô ấy/anh ấy vỗ về bạn thì bạn sẽ có phản ứng gay gắt theo kiểu Đừng có động đến tôi.
Cần sự vỗ về. Khi trẻ nguôi giận, trẻ sẵn sàng cần đến sự giúp đỡ của bạn. Sau khi mất kiểm soát, trẻ cần được an ủi vỗ về. Lúc này, bạn có thể ôm trẻ, hôn trẻ và thừa nhận cảm xúc của trẻ "Việc này thật chẳng dễ chịu chút nào".
Tiếp tục như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Trẻ không khóc và chuyển thái độ nhanh hơn người lớn. Trong khi bạn thấy chưa "hoàn hồn" với cơn giận kinh khủng của trẻ thì con bạn đã chơi vui vẻ trở lại như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Những điều không nên làm khi trẻ tức giận:
Đặt ra các câu hỏi.
Trẻ 2 tuổi thường chưa có khả năng diễn đạt lại cảm xúc của trẻ. Do đó, bạn không nên hỏi trẻ khi trẻ tức giận. Những câu hỏi kiểu như "Sao con không cho bạn chơi cùng?" hay "Con muốn làm gì" càng khiến trẻ nổi cáu.
Giải thích.
Bạn không nên giải thích với một đứa trẻ đang cáu kỉnh rằng bé không thể bóc chuối bởi vì Mẹ chưa cho ăn. Giải thích dài dòng với trẻ lúc này không hiệu quả.
Quát mắng.
Trẻ sẽ học tập phản ứng của cha mẹ cho dù phản ứng đó là tốt hay xấu. Bởi vậy, bạn cần giữ được bình tĩnh. Đếm đến 10, hít thở sâu và tự nhắc mình rằng mình là người lớn. Nếu bạn không kiềm chế được bạn thân khi giận giữ thì trẻ cũng sẽ làm tương tự như bạn.
Không nói suông.
Nếu bạn nói tắt ti vi, thì hãy tắt ti vi. Nếu bạn muốn cách ly trẻ khi trẻ la hét vào lần sau, thì bạn hãy bình tĩnh, nhanh chóng và không tức giận mà cách ly trẻ khỏi tình huống khiến trẻ thất vọng. Cần nhất quán. Nếu trẻ biết rằng trẻ cư xử không đúng mực sẽ luôn có một hậu quả kèm theo, trẻ sẽ không thực hiện hành vi đó.
Phớt lờ.
Trẻ cảm thấy bơ vơ khi nổi giận, bởi vậy phớt lờ trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy tồi tệ hơn. Thay vì vậy, bạn có thể ngồi xuống và nói với trẻ: "Mẹ sẽ ngồi đây cho tới khi nào con bình tình trở lại" Điều này có nghĩa là chấp nhận trẻ chứ không bỏ rơi trẻ.
Làm thế nào khi trẻ nổi giận
Dưới đây là 3 tình huống có thể khiến trẻ bùng phát cơn giận.
Trẻ muốn lấy một thứ gì đó.
Tình huống này thường xảy ra trong nhà bếp, siêu thị, cửa hàng đồ chơi.
Trong trường hợp như vậy, bạn nên tránh các trường hợp khiến bé căng thẳng càng nhiều càng tốt. Ở nhà, bạn nên cất những đồ vật mà bạn không muốn bé nghịch ra khỏi tầm nhìn của trẻ. Trước khi đưa trẻ đi siêu thị, bạn cần đảm bảo bé được nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ. Bạn có thể mang theo một món đồ chơi hoặc một cuốn sách cho bé theo để đánh lạc hướng bé khi cần thiết hoặc bạn có thể nhờ bé nhặt một ít đồ theo yêu cầu. Bạn có thể nói chuyện với trẻ để cùng ghi lại những thứ mà trẻ muốn mua; cuối buổi mua sắm, bạn có thể xem lại danh sách và chọn ra một vài món đồ ăn có lợi cho sức khỏe, sau đó, để cho trẻ chọn 1 hoặc 2 món trong số đó. Khi liệt kê danh sách, trẻ sẽ cảm thấy mình được tham gia vào quá trình mua sắm và trẻ biết sẽ được phần thưởng vào cuối buổi.
Muốn được chú ý.
Ví dụ điển hình nhất là trẻ đang chơi một mình, nếu bạn có điện thoại, trẻ sẽ mè nheo để bạn chú ý tới bé.
Trường hợp này, bạn nên khuyến cáo trẻ trước. Bạn có thể nói chuyện với trẻ: "Giờ mẹ cần nghe điện thoại. Con chơi một mình nhé. Mẹ sẽ quay trở lại để tô màu cùng với con." Bạn cũng có thể để dành riêng một số món đồ chơi đặc biệt để cho bé chơi mỗi khi bạn nghe điện thoại. Thậm chí, với những cuộc điện thoại đặc biệt quan trọng, bạn có thể cho bé xem ti vi một lúc. Hoặc, tùy thuộc vào từng trẻ, bạn có thể có những cách đánh lạc hướng của trẻ.
Khi đánh lạc hướng trẻ, bạn càng đưa ra các hoạt động cụ thể thì trẻ càng dễ chuyển hướng hoạt động. Ví dụ, thay vì nói "Con không được giật đuôi con mèo đó" thì bạn có thể nói ngắn gọn: "Mẹ con mình cùng tô màu nhé!" hoặc chuyển góc hoạt động nhanh chóng "Nào mẹ con mình ra đây tưới cây nhé!" Trẻ cần bạn đưa ra những gợi ý ngắn gọn, dễ làm theo.
Tranh giành quyền lực.
Tình huống điển hình: Trẻ không muốn lên giường đi ngủ hoặc đi chơi không muốn về.
Tình huống này thường xảy ra khi cuối ngày. Bạn không nên từ bỏ trong trận chiến này bởi vì nếu bạn từ bỏ, trẻ sẽ hiểu rằng khi trẻ nổi giận thì trẻ sẽ được làm thứ mình muốn. Bạn có thể cho trẻ lựa chọn trong giới hạn cho phép. Ví dụ, bạn có thể hỏi trẻ "Con muốn đánh răng trước hay muốn mặc quần áo ngủ trước?"
Trẻ không muốn rơi vào tình huống bất ngờ, bởi vậy, để tránh xung đột, bạn nên nhắc trẻ trước khi cắt ngang hoạt động trẻ đang tham gia. Trẻ thoải mía hơn nếu biết chính xác những gì sắp xảy ra. Bạn có thể nói trước với con "Mình đi thêm 2 vòng xe đạp nữa rồi về nhé". Bạn tránh nhắc đến thời gian kiểu như "Con chơi thêm 5 phút nữa rồi về nhé", bởi trẻ ở lứa tuổi này chưa có khái niệm về thời gian.
Ngoài ra, có một cách đơn giản có thể mang lại hiệu quả sau 2 đến 3 lần áp dụng. Khi trẻ không làm theo yêu cầu của bạn, bạn có thể đếm đến 3. Nếu trẻ không làm, bạn hướng dẫn trẻ cách đếm bằng cách giơ ngón tay của bé lên. Sau đó đếm lại. Ban đầu, bé sẽ không thích cách này, nhưng sau 2 đến 3 lần áp dụng thì bé sẽ biết cách bắt đầu thực hiện yêu cầu khi bạn bắt đầu đếm.
Chia sẻ tin này
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn