Thạch rau câu rất dễ khiến trẻ bị hóc
1. Thạch rau câu
Đây là món ăn vặt mà trẻ nhỏ nào cũng yêu thích vào dịp tết. Thạch rau câu có nhiều mùi vị, thơm ngon, đánh lừa cảm giác, màu sắc rực rỡ nên rất thu hút trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thạch rau câu được thiết kế trong khuôn nhỏ dễ, trơn, dễ lọt vào cuống họng trẻ khi trẻ không tập trung ăn và gây tắc nghẽn đường thở rất nguy hiểm.
Thực tế, đã có trường hợp trẻ tử vong vì sặc thạch rau câu. Đó là bé K.T.T.N (13 tháng tuổi), Quy Nhơn đã bị tử vong vì sặc thạch rau câu trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ (đăng trên báo Dantri). Theo các bác sĩ, người nhà bé N đưa bé tới bệnh viện trong tình trạng người tím tái, khó thở sau khi nuốt phải thạch rau câu. Mặc dù đã cố gắng cứu chữa nhưng bé vẫn qua đời ngay hôm sau.
Vì vậy, cha mẹ cần hết sức lưu ý khi ăn thạch rau câu. Đặc biệt, với trẻ dưới 2 tuổi, kỹ năng xử lý thức ăn chưa tốt nên dễ bị hóc. Tốt nhất, khi cho trẻ ăn thạch mẹ nên dùng thìa xúc miếng nhỏ cho trẻ ăn.
2. Các loại hạt cứng
Vào ngày tết, cha mẹ thường mua rất nhiều loại hạt như hướng dương, bí, dưa, hạnh nhân... để chưng tết và mời bạn bè. Trong khi đó bé rất hiếu động và thích nhấm nháp mọi thứ, kể cả những loại hạt khó bóc trên. Với kỹ năng xử lý hạt kém, chưa kể một số bé còn nghịch ngợm cho nhiều hạt vào miệng để nhai dẫn tới hóc dị vật rất nguy hiểm. Chính vì vậy, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn hạt này quá sớm để phòng hóc dị vật ở con.
3. Bắp rang bơ
Món ăn vặt thơm ngon này tuy hấp dẫn nhưng vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi, bắp rang bơ có thể khiến trẻ bị hóc dị vật dẫn đến ngạt đường thở, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Chưa kể, phần hạt bắp chưa nở hết, rất cứng và nhỏ là mối nguy hiểm hàng đầu với trẻ nhỏ.
4. Các loại trái cây có hạt
Chôm chôm, hồng xiêm, na, táo... là những loại trái cây có nguy cơ gây hóc dị vật ở trẻ nhiều nhất vì chúng chứa hạt nhỏ. Một số trẻ sẽ không chú ý đến các loại hạt đó và nuốt ngay sau khi cho vào miệng. Đặc biệt khi trẻ chưa có kỹ năng xử lý thức ăn tốt, trẻ sẽ nuốt hạt chôm chôm vô cùng nguy hiểm. Riêng hạt chôm chôm có hình tròn lớn, nhiều hạt to hơn đầu ngón tay cái người lớn, khi lọt vào vòm họng trẻ sẽ bị tắc nghẽn, gây khó thở và tử vong nếu không kịp thời cấp cứu.
5. Các loại bánh quy mềm
Ngày tết là cơ hội để bé được mẹ cho ăn nhiều bánh kẹo, trong đó không thể thiếu bánh quy mềm. Bánh quy mềm dễ tan trong miệng, nếu bé ăn nhiều sẽ dễ bị sặc và ngạt đường thở. Do vậy, khi cho bé ăn bánh quy, mẹ hãy bẻ từng miếng nhỏ để bé ăn hoặc hướng dẫn bé ăn từ tốn tránh bị sặc, nghẹn.
6. Kẹo
Đây chính là đồ ăn khoái khẩu mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng yêu thích. Tuy nhiên, nó cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị hóc dị vật, đặc biệt các loại kẹo cứng có hình dạng tròn nhỏ hoặc hình bầu dục. Cũng theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, có tới 19% trẻ em bị hóc dị vật là kẹo cứng, vì vậy tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ ăn kẹo mềm, dễ nuốt và tan trong miệng để phòng tránh hóc dị vật.
7. Xúc xích
Nếu ngày thường, mẹ có thể cấm cho trẻ ăn xúc xích nhưng vào dịp tết, các mẹ đều “dễ dãi” và cho con ăn xúc xích. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng biết xúc xích được thiết kế dạng ống, trơn nên rất dễ làm bé nghẹn khi ăn, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi kỹ năng xử lý thức ăn chưa tốt. Vì vậy, khi cho bé ăn xúc xích mẹ nên chẻ thịt thành từng miếng nhỏ để bé dễ ăn và không bị nghẹn.
8. Kẹo cao su
Bánh kẹo là thực phẩm mà dịp tết nào trẻ cũng được ăn “thả ga”. Tuy nhiên, tình trạng trẻ mắc nghẹn do kẹo không hiếm, trong đó có kẹo cao su. Do tính chất của kẹo cao su là không tan trong miệng, nó chỉ nhạt dần đi và mất vị ngọt. Một số trẻ sau khi nhai kẹo cao su lâu, quên bỏ bã và nuốt gây mắc nghẹn. Vì vậy, khi trẻ ăn kẹo cao su mẹ cần thường xuyên nhắc nhở trẻ bỏ bã kẹo và không nuốt.
Chia sẻ tin này
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn