Ai cũng biết đọc sách là vô cùng quan trọng, nhưng nếu không đọc sách liệu có sao không? Ai cũng có thể nói sách là một người bạn tốt, nhưng có bao nhiêu người đang chơi với người bạn tốt ấy hằng ngày bởi ngoài bạn ấy ra, chúng ta còn biết bao người bạn khác: game, iPad, tivi...
Ở Việt Nam trung bình bao nhiêu gia đình có một tủ sách? Hy vọng rằng số lượng tủ sách sẽ không nhỏ hơn con số các tủ rượu đang tồn tại trong các gia đình mà những người sở hữu dường như rất tự hào khi có bất kỳ ai ghé thăm.
Theo con số thống kê của Tổ chức NOP World Culture Score, mỗi tuần người Ấn Độ đọc sách 10,7 giờ; Thái Lan 9,4 giờ; Trung Quốc 8 giờ; Nga 7,1 giờ; Australia 6,3 giờ; Mỹ 5,7 giờ; Anh 5,3 giờ; Nhật Bản 4,1 giờ; Hàn Quốc 3,1 giờ, còn người Việt Nam chỉ đọc trung bình mỗi năm 0,8 quyển sách.
Để hình thành thói quen đọc sách là việc làm không khó nhưng cũng không phải dễ. Thói quen này nếu hình thành ngay từ bé sẽ quyết định đến khả năng đọc sách trong suốt thời gian dài của cuộc sống.
Trước tiên, hãy tạo sự hứng khởi khi tiếp cận với sách. Người Do Thái có mẹo nhỏ giúp trẻ đến với sách một cách vô cùng đơn giản, họ bôi ít mật ngọt vào đầu quyển sách, bọn trẻ sẽ lân la chơi với sách một cách rất say sưa.
Việc còn lại của chúng ta là chọn mua những quyển sách được in chất liệu tốt, sách được in gốc của những nhà xuất bản uy tín. Nên chọn cho trẻ những quyển sách có bìa dày, được đóng cẩn thận, tránh mua những quyển sách lậu, kém chất lượng rất nhanh hư hỏng.
Thứ hai, hãy chơi với sách như người bạn thân. Bố mẹ có thể chơi trò xếp hình bằng sách cùng trẻ hằng ngày. Chúng có thể chơi với những quyển sách cả buổi mà vẫn rất say sưa. Bạn có thể nói chúng sẽ làm hỏng những quyển sách? Không hề gì, bởi cho đến khi chúng có thể phá hỏng một quyển sách thì chúng đã làm bạn với sách từ lâu rồi. Mà giả sử nếu chúng có làm hỏng thật thì bạn có sẵn sàng tặng thêm 10 hay 20 quyển sách để hình thành cho bé thói quen tốt này?
Ở nhà, bạn hãy để sách ở những nơi gần trẻ nhất, nơi trẻ có thể lấy sách một cách dễ dàng, phòng cho trẻ chơi hãy đặt một tủ sách. Phòng ngủ của bé có thể đặt thêm một tủ sách. Nếu bé ngủ chung với bố mẹ thì có thể đặt sách ngay gần chỗ ngủ. Bé sẽ nhìn thấy sách hằng ngày và cha mẹ cũng có thể tiện tay đọc sách bất cứ khi nào mình thích. Bạn hãy sắp xếp thời gian dẫn con đi nhà sách hay hội chợ sách. Chúng có thể lăn lê nằm trên sàn với sách đầy hứng thú.
Khi đi nhà sách, thay vì mua sách cho trẻ theo ý của mình, bạn hãy gợi ý cho trẻ cách chọn như: "Mẹ thấy quyển sách này đẹp quá", "Bố thấy nhân vật này ngộ nghĩnh quá... con thấy có thích không? Nếu thích con có thể chọn chúng".
Một mẹo nhỏ nữa là nếu bạn muốn con mình chọn quyển sách A, hãy nói nhỏ với người tư vấn trong nhà sách đến tư vấn cho trẻ về quyển sách ấy. Chúng sẽ vô cùng hứng khởi nghĩ rằng quyển sách ấy là do chính mình chọn và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm với việc lựa chọn này.
Thứ ba, cha mẹ hãy là tấm gương đọc sách cho con trẻ. Chúng sẽ lớn lên cùng sách, sẽ hình thành nhân cách ngay từ giai đoạn đầu của cuộc đời. Chúng sẽ coi cha mẹ như một tấm gương và bắt chước làm theo những hình ảnh mà chúng thấy hằng ngày. Chúng sẽ tự tìm hiểu xem cha mẹ đang làm gì mà say sưa và chăm chú vậy. Hãy giải thích rằng bạn đang chơi một trò chơi rất thú vị và hỏi chúng có muốn chơi cùng không. Bạn hãy cùng con đọc sách và bạn đọc sách cho con nghe.
Tuy nhiên trong giai đoạn này, bạn chỉ nên đọc ít ít để trẻ hình thành thói quen. Một món ăn mà hơi ít thì chúng cảm thấy thiếu thiếu và muốn ăn thêm mỗi ngày là bạn đã thành công rồi đấy.
Thứ tư, hãy tương tác với trẻ về sách. Khi trẻ ở giai đoạn đã có thể đọc xong một đoạn hay một quyển sách thì bạn hãy thường xuyên trao đổi với con về nội dung mà chúng đọc được. Bạn nên đặt ra những câu hỏi đơn giản như: "Theo con thì nhân vật này có điểm gì tốt?", "Con hãy tóm tắt lại nội dung mà con đã đọc?", "Theo con thì nội dung của câu chuyện có gì hay? Qua câu chuyện này con học được điều gì?"
Đây là những câu hỏi giúp trẻ phát huy trí não, phát triển về ngôn ngữ và cách diễn đạt. Lúc này, trẻ sẽ hăng hái trình bày với bạn về những gì chúng nghĩ. Bạn cũng có thể thông qua những gì trẻ diễn đạt để hiểu hơn về tính cách của trẻ cũng như đặt những câu hỏi để hướng đến những điều mà bạn muốn chúng thực hiện.
Mặt khác, bạn hãy đưa những kiến thức mà trẻ đã đọc được từ sách vào áp dụng thực tế như, nếu trẻ đọc xong một câu chuyện về sự hiếu thảo, bạn hãy thảo luận cùng với trẻ về: "Sự hiếu thảo trong gia đình được thể hiện như thế nào?" hay "Để hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thì con nên làm gì?". Tất nhiên là bạn không nên tán thưởng và khuyến khích mỗi khi trẻ làm được một điều gì đó mà chúng đã áp dụng vào thực tế từ những kiến thức chúng đã được hấp thụ từ sách.
Thứ năm, biến sách thành những câu chuyện vui, hài hước, hóm hỉnh. Trẻ không thể hình dung việc đọc sách quan trọng như thế nào chính vì vậy bạn hãy biến sách thành những câu chuyện càng vui nhộn, càng hóm hỉnh thì càng dễ đi vào tâm trí của trẻ.
Hãy biến sách càng gần gũi với đời sống hằng ngày thông qua việc tương tác với trẻ bằng những nhân vật mà chúng thích. Khi đọc sách bạn có thể minh họa bằng những thú nhồi bông trong nhà bạn hay đơn giản là bạn hóa thân vào nhân vật trong sách, khi trẻ cảm thấy hứng thú với những nhân vật ấy, chúng sẽ chủ động tìm những điểm hay trong sách.
Thứ sáu, thỏa thuận với trẻ về thời gian đọc sách. Những ngày nghỉ của bé, những ngày lễ tết bạn hãy lên kế hoạch cho bé về việc đọc sách. Bạn có thể tạo ra những thách thức cho trẻ bằng cách đưa ra những cột mốc để chúng đạt tới.
Ví dụ, "nếu con đọc xong quyển sách này trong ngày hôm nay, con sẽ được cộng 2 điểm, nếu con được 10 điểm con sẽ có một món quà". Lúc này chính là lúc bạn tặng cho trẻ những món quà mà chúng đang mong muốn sở hữu.
Thứ bảy, khuyến khích trẻ tìm kiến thức từ sách. Khi trẻ hỏi bạn về một vấn đề nào đó, bạn có thể giải thích cơ bản cho chúng về vấn đề mà chúng đang quan tâm. Khi giải thích xong bạn khuyến khích chúng tìm thêm kiến thức đó từ quyển sách nào đó. Khi căn nhà của bạn đã có nhiều sách, văn hóa đọc sách sẽ lớn dần lên cùng với trẻ và việc đọc sách sẽ diễn ra một cách tự nhiên như cách chúng lớn vậy.
Hãy khuyến khích trẻ đọc một quyển sách nhiều lần vì mỗi lần chúng sẽ cảm nhận một cách khác nhau. Quan điểm đọc 101 lần tốt hơn đọc 100 lần cũng chính từ đây mà ra.
Chia sẻ tin này
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn