Bé bướng từ khi vào lớp một, tôi phải làm gì?
- Thứ hai - 25/01/2016 11:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi có con gái 6 tuổi, cháu học lớp một, lanh lẹ hoạt bát, được cô cho làm lớp trưởng. Nhưng ở nhà cháu có một số biểu hiện sau:
- Khi tôi la cháu vấn đề gì thì cháu hay nói là tại con ngu. Tôi có giải thích: cái này do con không biết thì bố nói cho con biết chứ không phải là ngu, khi nào bố giải thích cho con nhiều lần mà con không hiểu thì mới gọi là ngu (thường cháu không biết hoặc lỡ làm gì sai, tôi hay la: sau con dại thế, sao con hay quên...).
- Khi cháu hư hay nói bậy gì, tôi nói: con tát vào miệng 3 cái, lúc cháu giận thì cháu tát rất mạnh và thể hiện chống đối lại và khóc... Có khi tôi la cháu, cháu nói với vẻ giận, hờn và nói là: tại con hư đó, bố đánh con đi. Tôi có giải thích với cháu là: Sao con biết con hư mà không sửa...
Nói chung, tất cả những việc xong rồi cháu lại cười tươi. Những việc như vậy diễn ra từ lúc cháu bắt đầu năm học. Vậy xin nhờ các chuyên gia tâm lý xem liệu có phải giai đoạn này con tôi bướng, một thời gian sau cháu sẽ hết hay tâm lý cháu có vấn đề gì? Cách dạy và giải thích cho con của tôi vậy có hợp lý không? (Nguyễn Hải Giang)
Trẻ bước vào lớp 1 hay có những biến đổi tâm lý
Trả lời:
6 tuổi và vào lớp 1 được coi là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Trong giai đoạn này, trẻ thường có những biến đổi tâm lý không ổn định. Trẻ nhạy cảm, rất hay tủi thân, buồn nếu bị mắng và thường cảm thấy rất có lỗi nếu làm sai việc gì.
Chính vì thế khi bị mắng dù là được giải thích kỹ lý do nhưng với bé 6 tuổi đó là một thất bại và điều này khiến cho bé cảm thấy có lỗi và mặc cảm tự ti ở những lần sau.
Hiện tượng này ở con bạn là do đặc điểm tâm lý của lứa tuổi và sẽ không tự mất đi theo thời gian mà ngược lại nếu không khéo léo trong cách nuôi dạy sẽ khiến cho bé trở thành một người tự ti, nhút nhát và sẽ khó thành công trong cuộc sống.
Vì vậy lời nói và phản ứng của cha mẹ sẽ ảnh hưởng lớn đến cách trẻ xây dựng hình ảnh bản thân trẻ. Cách bố mẹ (người quan trọng nhất với trẻ) khen ngợi hoặc phê bình sẽ được hiểu như đánh giá của mọi người nói chung về trẻ.
+ Anh chị nên: Khen và chê cụ thể vào hành vi chứ không nên khen chung chung về đặc điểm nhân cách: Nói bố mẹ chưa hài lòng vì con đã ứng xử như thế này hoặc như thế kia (chỉ không đồng tình một hành vi cụ thể của cháu trong một hoàn cảnh cụ thể). Bạn nên động viên và khuyến khích con: “lần này con làm chưa đúng lắm, con cố gắng thì lần sau sẽ làm tốt hơn", thay vì nói “Sao con dại thế” quy gán luôn con là đứa dại dột (trong nhiều hoàn cảnh và tình huống - dường như là một đặc điểm bền vững của cháu và không thể thay đổi được).
+ Không nên dùng các hình thức xử phạt làm cho các cháu sợ và xấu hổ (để không dám tái phạm) như tự tát hoặc đánh cháu. Vì những cách này một là làm cho các cháu tự quy gán mình là đứa trẻ hư đáng bị như vậy, và mình dù cố gắng thế nào đi chăng nữa cũng không thể cải thiện được; hai là bố mẹ có thể mất bình tĩnh dẫn đến việc trừng phạt quá tay hoặc các cháu mất bình tĩnh có thể nói bậy hoặc làm tình huống trở nên xấu hơn.
+ Hãy khen ngợi trẻ khi trẻ làm được những việc tốt dù là rất nhỏ. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy tự hào về bản thân và luôn cố gắng làm nhiều việc tốt hơn.
Ở mỗi lứa tuổi, diễn biến tâm lý của trẻ khác nhau, vì thế bạn cần nắm bắt và hiểu rõ để có cách giáo dục trẻ đúng đắn hơn.
Chúc bạn thành công!
Thạc sĩ Trần Thành Nam
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC