IQ SCHOOL - MÔ HÌNH GIÁO DỤC TỪ SỚM

http://iqschool.vn


Mắng con còn tệ hơn đánh đòn?

Khi "cơn điên" đã lên đến đỉnh điểm, nhiều mẹ không tiếc lời la mắng, thậm chí chửi rủa con cái vì những hành động không hợp chuẩn của bé. Tuy nhiên, cách này không đúng đâu mẹ nhé! Thậm chí, trong nhiều trường hợp, la mắng con còn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực
Mắng con còn tệ hơn đánh đòn?

Khi con làm sai một điều gì đó hoặc không nghe lời, mẹ sẽ dạy con như thế nào? La mắng hay đánh đòn con? Thực tế, theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, dù chọn cách nào trong 2 phương án trên, mẹ cũng đang gây những tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển tâm lý, cảm xúc của trẻ. Thậm chí, so với tác hại từ những trận đòn roi, những lời la mắng của mẹ còn gây ra ảnh hưởng “ghê gớm” hơn nhiều.

Liệu la mắng có khiến con nghe lời mẹ hơn?

Đây là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia từ Đại học Pittsburgh và Đại học Michigan, tiến hành trên hơn 1.000 gia đình có con từ 13-14 tuổi tìm hiểu về mức ảnh hưởng của lời nói khắc nghiệt đến hành vi, mức độ trầm cảm của trẻ và mối quan với cha mẹ. Theo nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy rằng, việc la mắng, hò hét, chửi rủa, thậm chí sử dụng ngôn từ xúc phạm đối với trẻ em, nhất là những bé trong độ tuổi dậy thì hoàn toàn không có tác dụng giải quyết vấn đề. Ngược với suy nghĩ của phụ huynh, la mắng không thể giúp con lắng nghe, và suy nghĩ về những gì bé đã làm sai. Chúng chỉ khiến cho sự việc trở nên tồi tệ hơn.

Giải thích cho vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, thanh thiếu niên là một quãng thời gian khá nhạy cảm, là giai đoạn các bé đang bắt đầu hình thành và bộc lộ bản sắc của riêng mình. Vì vậy, việc la mắng trẻ có thể làm ảnh hưởng đến nhận thức, khiến bé cảm thấy tự ti về bản thân, cảm thấy mình không có giá trị. Không chỉ cảm xúc của trẻ, việc sử dụng ngôn từ xúc phạm, những lời chỉ trích quá mức còn có thể “lấy đi” sự ngưỡng mộ và tôn trọng của bé dành cho ba mẹ của mình. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những trẻ được nuôi lớn bằng những lời la mắng, ngôn từ xúc phạm thường có xu hướng hung hăng, có các vấn đề về hành vi ở trường hoặc cho thấy nhiều dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Thay vì la mắng hay đánh đập con, các chuyên gia khuyến cáo các mẹ nên nói chuyện trực tiếp và giải thích lý do tại sao trẻ không nên làm như vậy. Đồng thời, đưa ra hình phạt cho trẻ. Tránh la hét, quát mắng vào mặt của con, nhất là ở nơi công cộng hoặc trước mặt bạn bè của bé. Chẳng hạn, nếu bé mải mê xem tivi mà quên làm bài tập, mẹ nên nói cho con biết việc làm của bé không đúng và có thể phạt bé bằng cách không cho bé xem tivi cho đến khi làm bài xong, hoặc phạt bé bị mất buổi đi chơi mà đáng lẽ bé sẽ có nếu như ngoan.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể phạt bé đứng ở góc nhà trong thời gian quy định để suy nghĩ về hành vi sai trái của mình. Hoặc đơn giản hơn, mẹ cũng có thể phạt con phụ mình làm việc nhà, vừa rèn cho bé tính tự lập, vừa có “chân sai vặt”. Tiện đôi đường, mẹ nhỉ?