IQ SCHOOL - MÔ HÌNH GIÁO DỤC TỪ SỚM

http://iqschool.vn


Vai trò của trò chơi và đồ chơi

Theo Tổ chức Thế giới về giáo dục sớm trẻ em (OMEP), nếu không chơi, trẻ sẽ bị ngăn cách với cuộc sống này. Sự sáng tạo thông qua "liệu pháp" chơi giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.


Ngoài ra, chơi còn là cách học giúp bé khám phá thế giới xung quanh và phát triển tính thông minh sáng tạo. Tuy có rất nhiều loại đồ chơi giáo dục giúp bé phát triển các khía cạnh khác nhau của nhân cách, trí tuệ và sức khỏe nhưng chung quy, đồ chơi có thể được chia ra làm ba nhóm:


- Đồ chơi phát triển trí tuệ
- Đồ chơi phát triển thể lực
- Đồ chơi phát triển kỹ năng.    
 

Lựa chọn đồ chơi phù hợp giúp con phát triển trí tuệ


Vậy làm thế nào để chúng ta chọn được những đồ chơi phù hợp với LỨA TUỔI và KHẢ NĂNG của con em mình luôn là câu hỏi đau đầu cho các bậc cha mẹ.


Buckmister Fuller, một nhà giáo dục học nổi tiếng thế giới cho rằng “Tất cả các trẻ em khi sinh ra đều đã là những thiên tài và chúng ta đã hủy hoại 80% khả năng thiên tài này trong vòng 6 năm đầu đời của trẻ”. Vì sao lại như vậy? Chúng ta có thể đã làm sai chỗ nào?


Tony Buzan, một bậc lão thành khác trong những nghiên cứu về trẻ em có nói “Lúc đứa trẻ sinh ra đã là một thiên tài. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trẻ học ngôn ngữ tốt hơn bất cứ nhà ngôn ngữ học nào trong vòng 2 năm đầu đời và sử dụng ngôn ngữ thành thạo trong vòng 3-4 năm sau”. Chính vì vậy, chúng ta nên hướng dẫn cho đứa trẻ học từ sớm khi quá trình học đến với chúng một cách tự nhiên nhất thông qua việc khám phá thế giới xung quanh mỗi ngày.


Ví dụ như thay vì mua cho con những búp bê, robot đắt tiền, bạn có thể mua cho con những trò chơi kích hoạt trí tuệ như: xếp hình, cắt dán, tô màu, vẽ, đồ chơi phân biệt màu sắc, hình dạng, kích thước, so sánh phân loại con vật, đồ vật theo đặc điểm, suy luận nếu… thì…hay suy luận nhân quả,... Đặc điểm tốt của những loại đồ chơi kích hoạt trí tuệ này là thay vì đưa cho con bạn một “sản phẩm đã hoàn thành”, những loại đồ chơi trí tuệ này thử thách con bạn phải hoàn thành sản phẩm từ những công cụ, thành phần cơ bản nhất được cung cấp. Chẳng hạn như một bộ xếp hình khối tuy chỉ bao gồm những thanh gỗ chữ nhật, tam giác, vuông tròn nhưng qua tay con bạn có thể biến thành những ngôi nhà, vườn thú, con vật, cây cỏ tùy theo trí tưởng tượng của chúng.
 

Chơi đùa giúp trẻ phát huy khả năng tưởng tượng


Ngoài việc thúc đẩy nhanh sự phát triển các nơ-ron thần kinh của con bạn, việc chơi đùa này còn giúp con bạn phát triển khả năng tưởng tượng, sự khéo léo và đặc biệt là lòng tự tin, ham học hỏi của trẻ, chống lại sức ì thường thấy khi bé chơi những loại đồ chơi “không có chiều sâu”


Hơn nữa về phương diện giải phẫu học, giáo sư về Nhi đồng học Glenn Doman đã cho biết: “Cấu trúc và chức năng các tế bào não rất đặc biệt, chúng được thiết kế theo kiểu là nếu chúng ta càng sử dụng chúng nhiều thì chúng càng phát triển. Còn ngược lại nếu chúng ta không sử dụng chúng thì sẽ dần dần chúng sẽ mất chức năng và sự kết nối nhanh nhạy vốn có".


Điều này có nghĩa là trong những giai đoạn đầu đời của trẻ, nếu trí tuệ chúng càng được kích thích (một cách tích cực) thì trí thông minh của chúng sẽ càng được phát triển. Còn ngược lại, sự phát triển này sẽ dần chậm lại, bị mai một và kết quả là trí thông minh của trẻ bị sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau này. “SỬ DỤNG HOẶC LÀ MẤT”, cơ cấu hoạt động của các hệ thống thần kinh trẻ em là như vậy đó.


Đồng thời , Howard Gardner cũng liệt kê trong cuốn sách Frames of Mind của ông là não bộ của chúng ta bao gồm bảy trung tâm trí tuệ gồm :


- Ngôn ngữ (đọc, viết, nói);
- Logic (toán, khoa học, lịch sử, địa lý);
- Khả năng cảm nhận (âm nhạc, thể thao, nhảy múa);
- Không gian/ảo (nghệ thuật và kỹ năng cần thiết để lái xe và điều khiển máy bay);
- Sự tự tin (sự quý trọng bản thân)
- Kỹ năng giao tiếp (mối quan hệ với mọi người xung quanh).


Tuy nhiên đáng tiếc là các trường học hiện nay chỉ tập trung vào việc phát triển trung tâm đầu tiên là ngôn ngữ mà bỏ qua việc phát triển sáu trung tâm còn lại. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ lại càng lớn hơn trong việc bổ sung những khiếm khuyết này cho trẻ. Thông qua nhiều phương pháp và phương tiện, chúng ta có thể giúp cho bé phát triển toàn diện hơn, sáng tạo hơn và vững chắc hơn. Và một trong những phương pháp truyền thống và hiệu quả nhất đó chính là việc lựa chọn các loại đồ chơi giáo dục phù hợp với quá trình phát triển trí tuệ của bé.


Thế nhưng, trong bối cảnh chủng loại đồ chơi trí tuệ chưa đa dạng như hiện nay và đặc biệt hầu hết các loại đồ chơi đều không có hướng dẫn sử dụng đính kèm, làm thế nào để chúng ta chọn được những đồ chơi phù hợp với LỨA TUỔI và KHẢ NĂNG của trẻ?


Tiêu chí lựa chọn đồ chơi cho trẻ em


Để lựa chọn đúng các loại đồ chơi trí tuệ cho con em mình, khi mua đồ chơi các bạn cần lưu ý:


Đồ chơi này dành cho bé mấy tuổi?


Tác dụng của đồ chơi này là gi: tăng cường trí tuệ (trí tuệ logic, trí tuệ nghệ thuật, trí tuệ ngôn ngữ, phát triển giác quan), tăng cường thể lực hay rèn luyện kĩ năng?


Cách chơi như thế nào?


Tính an toàn và kiểu dáng màu sắc bắt mắt của đồ chơi?


Chẳng hạn như đối với một bộ đồ chơi xếp hình khối sau, Bạn có thể phân tích là:


1. Lứa tuổi:
 

Bé dưới 4 tuổi có thể tập xếp các tòa nhà


Đồ chơi phù hợp với với bé dưới 1 tuổi rưỡi: Trò chơi giúp bé tăng cường khả năng nhận diện hình học và màu sắc, độ đậm nhạt của màu sắc;


Đối với bé 1.5 - 4 tuổi: bắt đầu sắp xếp các tòa nhà, tòa tháp đơn giản;


Trẻ trên 4 tuổi: Các bé sắp xếp các nhà cửa, công viên, tên lửa, vv và dần phối lại với nhau thành một câu chuyện.


2. Tác dụng:


- Kích thích phát triển trí tuệ logic, khả năng suy luận của bé
- Kích thích khả năng sáng tạo cao độ
- Tăng cường khả năng liên kết các sự vật, vật thể lại với nhau (như quy họach nhà cửa, công trình) Tăng trí tuệ nghệ thuật thông qua việc thiết kế mẫu và phối màu.
- Tạo ra sự tự tin và phấn khởi cho bé mỗi khi bé xếp được hình mới.
- Tăng cường mối liên kết tình cảm của các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè của bé khi mọi người cùng tham gia trò chơi.
- Tăng cường khả năng giao tiếp và hòa nhập xã hội của bé khi chơi chung trong một nhóm.


 3. Cách chơi
 

Đồ chơi nhiều màu sắc hình khối thúc đẩy tư duy trẻ


Có nhiều cách chơi tùy theo từng độ tuổi. Trẻ em duới hai tuổi: chơi những trò giúp bé nhận diện màu sắc, hình khối, màu sắc từ đậm đến nhật. Trẻ em lớn hơn: xếp hình, xếp tòa tháp khéo léo, xếp công trình, thực hiện các phép tính công trừ đơn giản.


4.Tính an toàn của đồ chơi


Đồ chơi làm bằng chất liệu gì, có an toàn cho bé không? Nước sơn có an toàn cho bé không? Màu sắc đồ chơi thế nào, có rực rỡ bắt mắt không? Cũng như hệ thống nơ-ron thần kinh, các giác quan của trẻ trong giai đoạn đầu đời rất nhạy cảm và phát triển rất nhanh. Chính vì vậy các bạn nên chú ý lựa chọn những đồ chơi có màu sắc rực rỡ, đẹp mắt, sắc thái màu không xỉn và tối để giúp cho bé phát triển về độ nhạy cảm màu sắc sau này.


Sự hiểu biết về đồ chơi sẽ giúp cho các bạn lựa chọn đúng các loại đồ chơi phù hợp cho sự phát triển của con mình. Hơn nữa, bạn có thể định hướng và đưa ra những trò chơi hấp dẫn, bổ ích với bé. Theo nhiều nghiên cứu, cha mẹ có vai trò chủ chốt trong quá trình phát triển của trẻ em, kể cả trong lúc bé chơi. Khi chơi với con, ngoại trừ chơi theo đúng những gì trò chơi thiết kế, bạn có thể bày ra nhiều trò chơi sáng tạo cho con và kể cho con nghe thật nhiều các câu chuyện liên quan đến các trò chơi và nhân vật trong các trò chơi đó. Khác với các loại đồ chơi thông thường, đồ chơi thông minh tạo cho cha mẹ nhiều không gian để thiết kế trò chơi và giao tiếp với bé. Và thực sự, các trò chơi thông minh, trò chơi trí tuệ chỉ phát huy được hết các tác dụng trong trường hợp này khi cha mẹ cùng chơi với trẻ.


 Nguồn: tham khảo internet