Giáo dục sớm có bao giờ là muộn?
- Thứ hai - 23/03/2015 15:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chúng ta vẫn nghĩ 6 tuổi trẻ đi học lớp 1 thì việc giáo dục khi đó mới được bắt đầu, trước thời điểm này, trẻ “biết gì mà học”, và các phụ huynh bỏ mặc con mình tự do phát triển. Nếu ai đó dạy trẻ dưới 6 tuổi bất kỳ điều gì đều được coi là giáo dục sớm. Khái niệm giáo dục sớm bắt nguồn từ đây. Một vài hoạt động giáo dục sớm đang bị một bộ phận không nhỏ lên án: dạy con học đọc, dạy con học toán, dạy con kỷ luật, dạy con làm việc, dạy con kiếm tiền, dạy con ngoại ngữ, vv… Đó chỉ là 1 vài hoạt động giáo dục sớm, vẫn còn rất nhiều hoạt động khác.
Chúng ta dành một chút thời gian để tìm hiểu về não bộ. Mọi sinh vật trên thế giới này đều có một bản năng, đó là bản năng sinh tồn. Tôi xin nhấn mạnh lại, tất cả các loài vật, trong đó có con người, đều đấu tranh vì sự sinh tồn của loài mình. Từ ăn, săn mồi, trú ẩn, sinh sản, vv… đều vì mục đích này. Con người cũng vậy, chúng ta rất tham sống sợ chết, và nếu phải chết, chúng ta sẽ chết để gia đình, để dân tộc, để loài người tồn tại, đó được gọi là cái chết vinh quang. Một điều tự hào là loài người chúng ta đang thống trị thế giới, và ai cũng biết, vũ khí lợi hại nhất của chúng ta là não bộ. Chúng ta là con người, biết suy nghĩ, biết sáng tạo và sử dụng các công cụ để làm những việc vượt ngoài khả năng tự nhiên của ta.
Khoa học đã chứng minh: não là bộ phận phát triển đầu tiên, nhanh nhất, đến 6 tuổi não người đã đạt 90% trọng lượng của người trưởng thành, trong khi các bộ phận khác cần một thời gian dài hơn để đạt đến sự phát triển tương đương. Vì sao vậy? Nhiệm vụ của não là phải nhanh chóng phát triển để học và thích nghi nhằm mục tiêu sinh tồn. Từ khi sinh ra, trẻ là một tờ giấy trắng, chúng phải học và khao khát học để sinh tồn.
Vậy trẻ học gì? Trẻ học từ những điều cơ bản đến những điều phức tạp. Ví dụ như ăn: bú mút là bản năng của trẻ, nhưng sau khi ra đời, trẻ cần được cho bú để duy trì bản năng này, rồi chúng ta tập cho trẻ bú mạnh, tập cho trẻ tự tìm ti mẹ để rèn thói quen lao động, chấm đầu đũa cho trẻ nếm các mùi vị khác nhau, đến 5 tháng tuổi bắt đầu tiếp xúc với cháo loãng, thức ăn xay, rồi đặc dần, cứng dần, lớn dần; đến 1 tuổi trẻ bắt đầu ăn được như người lớn. Hoặc ví dụ như tập vận động: bắt đầu từ việc cử động tứ chi, rồi đến lật người, rồi đến bò, rồi đến đứng, rồi đến đi, rồi đến chạy, nhảy, trèo, vv… Mọi thứ đó đều là học, bắt đầu từ những hoạt động cơ bản, dần dần đến những hoạt động phức tạp.
Vậy, tất cả các tác động đến trẻ trong giai đoạn 0-6 tuổi đều ảnh hưởng đến khả năng của trẻ sau này và đều được coi là giáo dục sớm. Nếu vậy thì không cần dạy, trẻ vẫn đang nhận được các tác động từ bên ngoài và vẫn đang được giáo dục sớm? Đúng vậy, các tác động ở đây bao gồm cả tác động tích cực lẫn tác động tiêu cực. Trẻ bị bố mẹ bỏ mặc sẽ được giáo dục sớm một cách tự phát và trẻ sẽ phát triển một cách tự do không định hướng. Đến đây chúng tôi xin đưa ra định nghĩa giáo dục sớm của chúng tôi: đó là việc chủ động tạo cho trẻ những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực nhằm định hướng sự phát triển của trẻ theo hướng có lợi, giúp trẻ sinh tồn mạnh mẽ trong cuộc sống sau này. Đó mới là phát triển một cách tự nhiên (phát triển để sinh tồn).
Có một người bạn của tôi đặt vấn đề rằng có khái niệm giáo dục sớm thì tại sao không có khái niệm giáo dục muộn? Tôi xin trả lời như sau: giáo dục không bao giờ là muộn.Như người bạn này của tôi, 30 tuổi mới tìm được hướng đi của cuộc đời, mới tìm được người thầy mà mình nguyện theo suốt đời, mới bắt đầu học những tri thức cần thiết và lập nghiệp, thì xin hỏi như vậy có được coi là muộn?
Chúng ta biết có nhiều người, 60 tuổi mới nhận ra đam mê kinh doanh của mình, mới đi học kinh doanh và xây dựng doanh nghiệp toàn cầu, thử hỏi họ có được coi là giáo dục muộn? Rất nhiều người, đến năm 40 tuổi mới nhận ra cuộc đời mình mãi không thể thành công chỉ vì không biết quan tâm tới người khác, không biết giao tiếp, không biết tạo dựng quan hệ, và họ đi học, họ thay đổi bản thân, họ thành công. Rất nhiều người kết thúc cuộc đời trong đói nghèo và bệnh tật vì không được học kỹ năng giữ gìn sức khỏe khi còn khỏe và kỹ năng quản lý tài chính khi còn làm ra tiền. “Học, học nữa, học mãi”, câu nói quá quen thuộc của Lê nin, và tôi xin nói rằng học không bao giờ là muộn.
Vì thế, nếu bạn biết đến các tri thức giáo dục sớm khi con mình đã 6 tuổi, 10 tuổi, thậm chí 20 tuổi thì vẫn không có gì là quá muộn!
Nguồn: Tham khảo Internet